Nguồn gốc và lịch sử phát hành Peter_Pan

Nhà văn James Matthew Barrie luôn cho rằng nhân vật này không thể nào tồn tại trên đời nếu như ông không gặp 5 anh em nhà Davies: George, John, Peter, Michael và Nicholas Llewelyn Davies.

Năm 1888, James Matthew Barrie gặp Georgle và Jack trong một lần dạo chơi quanh Kensington Gardens. James Matthew Barrie bắt đầu mời cả gia đình Davies tới điền trang của ông để tham quan và chính trong những lần chơi đùa với 5 cậu bé nhà Davies, ông đã tìm được cảm hứng để sáng tác Peter Pan. Cho dù đứa con tinh thần huyền thoại của Barrie trùng tên với cậu bé Peter Llewelyn Davies, nhưng gần gũi nhất với ông lại là George và Michael.

Năm 1907, năm anh em nhà Davies lâm vào cảnh mồ côi cha. Mẹ của năm anh em là bà Sylvia Davies mắc bệng ung thư và qua đời năm 1910. Trong bản di chúc bà để lại và sau đó được James Matthew Barrie chép tay, bà Sylvia chỉ định nhà văn trở thành cha đỡ đầu của các con mình: “Tôi muốn Jimmy cùng Mary chăm sóc 5 đứa con của tôi” (Jimmy là biệt danh của nhà văn, còn Mary là bảo mẫu của năm cậu bé). Đúng như bản di chúc đề đạt, James Matthew Barrie chăm sóc năm anh em tới khi trưởng thành. Rất nhiều năm sau đó, nhà sử học Andrew Birkin tìm ra bản di chúc viết tay của bà Sylvia và biết được nguyện vọng thực sự của bà: “Tôi muốn Jenny cùng Mary chăm sóc 5 đứa con của tôi”. (Jenny là tên chị gái của cô bảo mẫu Mary). Liệu James Matthew Barrie đã chép sai bản di chúc của người quá cố hay ông cố tình thay đổi nó theo ý muốn của mình? Bí ẩn này, có lẽ chỉ James Matthew Barrie mới biết.

Số phận năm anh sau này cũng rất khác nhau: George Llewelyn Davies hy sinh trong Thế Chiến thứ nhất ở tuổi 22. Sáu năm sau, cậu thanh niên Michael Llewelyn Davies chết đuối ngay trước sinh nhật tuổi 21 bên người tình đồng tính Rupert Buxton trên sông Thames. John Llewelyn Davies qua đời năm 1959 vì mắc bệnh phổi. Peter Llewelyn Davies tự tử ở tuổi 63 bằng cách lao đầu vào một đoàn tàu hỏa vào ngày 5 tháng 4 năm 1960. Nicholas Llewelyn Davies qua đời năm 1980, hưởng thọ 77 tuổi.

Vào những năm cuối đời, James Matthew Barrie không còn nhìn nhận “Peter Pan” như là cách ông vinh danh sự hồn nhiên của năm người bạn nhỏ. Ông cho rằng “Peter Pan” là câu chuyện về chính ông - một người “dù cho muốn đến mấy cũng không bao giờ có thể lớn lên được nữa”.[1]